Trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp, vấn đề tìm kiếm thị trường và gọi vốn gần như là 2 yếu tố quan trọng quyết định doanh nghiệp có khả năng đi tiếp hay không. Thực tế cho thấy, nhiều dự án thất bại chỉ vì không chọn đúng thị trường hay không tìm được nguồn vốn. Bài viết dưới đây startup.vitv.vn chia sẻ cùng các bạn một số kinh nghiệm trong hai vấn đề này. Các ý kiến trong bài viết được chúng tôi tóm lược từ sự kiện Young Innovators Forum 2016 vừa qua.
Thị trường ngách là lối tắt khả thi nhất cho startup
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) “Thị trường ngách như một con hẻm. Con hẻm ấy dẫn về một đại lộ hay là một con hẻm cụt tùy thuộc vào sự sáng suốt của nhà sáng lập”.
Xét về quy mô, Startup vốn được xem là yếu và sinh sau so với các doanh nghiệp quy mô lớn trên thị trường. Do đó nếu startup chọn phân khúc thị trường giống với các doanh nghiệp lớn, startup sẽ không thể đuổi kịp họ. Thị trường ngách tuy dễ tiếp cận đối với startup nhưng nếu xác định sai độ lớn và khả năng phát triển của thị trường trong tương lai thì điều này được ví tương tự như con hẻm cụt trong lộ trình phát triền của startup.
Từ trái qua phải: ông Ngô Minh Hải, ông Trần Nguyễn Lê Văn, bà Trương Lý Hoàng Phi tại Young Forum 2016
Ông Ngô Minh Hải - Giám đốc Đầu tư chiến lược Quỹ PVNi đưa ra một ví dụ về thị trường Phần mềm quản lý doanh nghiệp. Mặc dù nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia vào thị trường này, tuy nhiên, phân khúc phần mềm dành cho các công ty SMEs (vừa và nhỏ) với giá thành thấp thì gần như chưa có nhiều doanh nghiệp khai phá. Đây có thể là một hướng đi tiềm năng cho các startup.
Một ví dụ khác dễ thấy hơn: Tiki.vn ban đầu chỉ chọn một ngách nhỏ là sách. Dần dần khi nhu cầu khách hàng tăng cao, họ mở sang các ngành hàng khác. Hoặc như startup xe điện Tesla: phân khúc xe điện vốn rất nhỏ nếu so với toàn ngành công nghiệp ô tô, nhưng trong tương lai 5 năm hay 10 năm nữa, đó chắc chắn sẽ là một câu chuyện khác.
Do đó, với quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp, việc chọn một ngách thị trường nhất định để phát triển là hướng đi mang lại nhiều hiệu quả khả thi. Việc startup có thể phát triển mở rộng sản phẩm của mình trong giai đoạn sau hay không tùy thuộc vào khả năng thực hiện sản phẩm phục vụ cho thị trường ngách startup đã chọn ban đầu.
Nhàđầu tư chỉ đầu tư vào những startup có thể tự tồntại
Ông Lê Văn – nhà sáng lập Vexere chia sẻ: “Muốn tạo được lợi thế trên bàn thương thuyết, startup phải chứng minh được mình vẫn có thể tiếp tục dự án dù không nhận được đầu tư”. Theo ông, quản lý quỹ đầu tư cũng như cầm trên tay một “cục than hồng” do đó, nhà đầu tư không thể giữ tiền của mình quá lâu. Vì vậy, nếu sản phẩm và mô hình của mình đã thật sự tốt, startup không cần lo lắng về việc nhận vốn đầu tư.
"Tiền đầu tư không thiếu, chỉ thiếu các nhóm khởi nghiệp giỏi"
Là nhận định của ông Ngô Minh Hải. Với Quỹ PVNi, nguồn quỹ đầu tư sẽ có 3 năm thử thách. Trong năm đầu tiên, các startup phải chứng minh được sản phẩm của mình giải quyết được vấn đề của xã hội và có tính đột phá so với giải pháp đã có sẵn trên thị trường. Năm thứ 2, các startup phải chứng minh được mô hình kinh doanh của mình có thể sinh ra lợi nhuận hấp dẫn. Năm thứ 3 là khả năng phát triển và mở rộng thị trường của startup.
Gợi ý cho việc chứng minh về mức độ khả thi của dự án, MVP (sản phẩm khả dụng tối thiểu - Minimun value product) là một trong những yếu tố quan trọng khi đầu tư. MPV không chỉ giúp startup nhận được phản hồi của thị trường mà còn thuyết phục nhà đầu tư về độ khả thi của dự án.
StartupViệt cần thận trọng trước TPP và AEC
Khi AEC đã chính thức mở cửa và thời điểm thực thi TPP đang đến gần, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2016, Việt Nam sẽ là năm có nhiều cơ hội cho startup. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về startup công nghệ, do đó việc nhiều startup nước ngoài tham gia vào cuộc đua cùng với các startup Việt Nam là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Lời khuyên từ các diễn giả tại sự kiện: các bạn lần đầu khởi nghiệp và chuẩn bị khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay nên tìm đến các chuyên gia có kinh nghiệm để nhận được lời khuyên trước khi khởi nghiệp, từ đó các bạn sẽ hạn chế được tối đa các rủi ro do thiếu thông tin về nhận biết thị trường.