Thông đường cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Phạm Minh Ngọc - 18/02/2023

Khi Trung Quốc điều chỉnh giảm cấp độ chính sách phòng, chống dịch Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhanh chóng có những biện pháp nhằm thích ứng với tình hình mới.

Bình Thuận có nhiều tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói xuất khẩu về sầu riêng. Ảnh: ST


Thu mua online, giảm bớt khâu trung gian

Thời gian qua, Việt Nam luôn duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 6 trên toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong đó phải kể đến các mặt hàng hoa quả như thanh long chiếm 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, vải thiều chiếm 80% lượng xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,4%... Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Theo ông Ngô Tuấn Dật, Tổng giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông), năm ngoái, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam để thu mua hơn 2.000 container hàng hóa các loại như: sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím… Con số này gần như là định mức thường niên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kế hoạch của doanh nghiệp trong năm 2023 sẽ tăng số lượng thêm 500 đơn vị lên 2.500 container. Với nhu cầu mới đang tăng cao, doanh nghiệp kỳ vọng có thể kết nối được thêm nhiều đối tác lớn có uy tín và tiềm năng ở Việt Nam để cùng nhau hợp tác và phát triển.

Để đẩy mạnh bán hàng vào thị trường Trung Quốc, ông Ngô Tuấn Dật cho rằng, ngoài các kênh bán hàng truyền thống như chợ và siêu thị, doanh nghiệp đang đẩy mạnh kênh thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. "Chúng tôi hiện đang tiêu thụ một lượng hàng hóa lớn trên nền tảng mạng xã hội Douyin và chúng tôi cũng là đối tác chiến lược của họ", vị này dẫn chứng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vương Chính Ba, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây cũng kiến nghị phía Việt Nam tạo điều kiện cho hoạt động thu mua online, tìm cách giảm bớt hơn nữa thời gian thông quan. Doanh nghiệp hai bên cũng cần bàn bạc, đàm phán kỹ để thông quan thuận lợi.

Theo ông Vương, mạng lưới thu mua nông sản của Hiệp hội này hoạt động rất tốt, có nhiều kinh nghiệm trong nhập khẩu hàng từ Việt Nam qua đường bộ, đường sắt, đường biển. Nông sản Việt Nam được yêu thích ở Trung Quốc, từ những mặt hàng quen thuộc như sầu riêng, mít, thanh long... cho đến cà phê. Chính vì vậy để thúc đẩy giao thương nông sản giữa Việt Nam- Trung Quốc, ông Vương bày tỏ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam liên hệ để hai bên hợp tác. Sắp tới, Hội chợ thường niên Trung Quốc – ASEAN sẽ được tổ chức tại thủ phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai bên sẽ gặp gỡ và có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Đại diện các doanh nghiệp Quảng Tây hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác trực tiếp nhất với các nhà cung cấp trái cây Việt Nam và giảm bớt các liên kết lưu thông.

Rút ngắn thời gian cấp mã số vùng trồng

Hiện Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có Nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Một khó khăn nữa là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu. Ông lấy ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.

Cũng gặp khó khăn về mã số vùng trồng, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, nhờ việc ký kết Nghị định thư và thông thương giữa Việt Nam - Trung Quốc thuận lợi nên giá một số mặt hàng trái cây của tỉnh đã tăng cao như sầu riêng, nhãn, xoài, khoai lang... Tuy nhiên, do diện tích sản xuất của địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng mã số vùng trồng của Vĩnh Long còn ở mức khiêm tốn.

“Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây ăn quả, rau màu, khoai lang. Đồng thời, thực hiện tốt quy định trong việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ cho xuất khẩu. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đơn giản hóa hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn thời gian cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đề xuất.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, bà Bùi Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Haiyang (Bình Thuận) cho biết, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phối hợp với nông dân xây dựng vườn sầu riêng mẫu theo các yêu cầu kỹ thuật để cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sạch.

"Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch mã sản phẩm sầu riêng cấp đông, do số lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chưa đáp ứng được sản lượng bà con sản xuất ra. Đặc biệt, khi xuất quả tươi sẽ tăng chi phí sản xuất, bảo quản và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Hải đề xuất.

Ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển tổ yến Việt Nam cho biết, phía khách hàng Trung Quốc đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam. Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ. Ông Trần Phương Tuấn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu yến trên hệ thống đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm.

(Theo Xuân Thảo - Báo Hải quan Online)


Thực hiện:

TIN LIÊN QUAN