Đông Nam Á trở thành điểm nóng trong cuộc đua phát triển AI

- 13/05/2024

Microsoft đang đón đầu nhu cầu ngày càng tăng về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Đông Nam Á, khi Giám đốc điều hành Satya Nadella đến thăm Indonesia, Thái Lan và Malaysia và công bố kế hoạch đầu tư và phát triển AI tại đây.

Giám đốc điều hành Microsoft, ông Satya Nadella công bố việc mở trung tâm dữ liệu mới tại Thái Lan

Các phân tích liên quan cho thấy trong quá trình phát triển AI của thế giới hiện nay, không chỉ Đông Nam Á cần đầu tư vốn và công nghệ từ các nước mạnh về công nghệ như Mỹ và Trung Quốc, mà thế giới cũng cần Đông Nam Á. Các kế hoạch đầu tư vào AI được ông Nadella công bố tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều có 3 điểm chung: mang lại nguồn vốn lớn; hợp tác chặt chẽ với chính phủ sở tại và lồng ghép vào kế hoạch phát triển của đất nước; coi trọng việc đào tạo nhân tài địa phương.

Theo "Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2023" do Google, Temasek và Bain & Company công bố, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu gặp khó khăn, tổng giá trị kinh tế số ở Đông Nam Á vẫn đạt 218 tỷ USD vào năm 2023, tăng 11% so với năm 2022. Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp và phát triển tài chính thuộc Viện Nghiên cứu phát triển toàn diện Trung Quốc (Thâm Quyến), ông Dư Lăng Khúc nhận định xu hướng phát triển AI này không chỉ là theo quy luật của chu kỳ kinh tế mà còn xuất phát từ lợi ích “nhân hòa” đặc thù của Đông Nam Á. Dân số ở Đông Nam Á đông và tương đối trẻ nên dễ dàng tiếp thu và học hỏi những kiến thức, kỹ năng tiên tiến như AI. Tình hình chính trị ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia ổn định, tạo thuận lợi cho việc triển khai AI lâu dài ở một thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, việc Mỹ liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và công nghệ đã khiến các công ty như Microsoft đang đầu tư vào Đông Nam Á để tránh những rủi ro chính trị như vậy.

Hiện tại, các công ty công nghệ Trung Quốc có trụ sở tương đối ổn định ở Đông Nam Á và trên đà phát triển tốt. Alibaba Cloud, một công ty công nghệ điện toán đám mây và AI thuộc Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, là một ví dụ. Công ty này đã mở các trung tâm dữ liệu ở Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Tập đoàn Alibaba ra mắt SeaLLM, phiên bản mô hình AI lớn dựa trên đào tạo ngôn ngữ Đông Nam Á và robot trò chuyện SeaLLM-chat.

Ông Dư Lăng Khúc chỉ ra rằng dựa trên cách bố trí hiện tại của nền kinh tế số Đông Nam Á, các công ty công nghệ Trung Quốc có thể có nhiều lợi thế hơn trong dịch vụ tiêu dùng, trong khi các công ty Mỹ có lợi thế tổng thể về "dịch vụ đám mây" trong công nghệ và quản lý doanh nghiệp. Ông hy vọng hai bên có thể học hỏi lẫn nhau trong tương lai và tạo ra những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn cho chính công ty và khu vực Đông Nam Á.

Theo Đặng Ánh (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN