Cơ chế để dòng tín dụng thêm "mạnh dạn" và hiệu quả

- 20/03/2024

Các ngân hàng đang hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và luôn sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn. Nhưng cùng với đó phải có thêm nhiều điều kiện cũng như sự hỗ trợ đồng bộ từ nền kinh tế để tăng tính “mạnh dạn” và hiệu quả của dòng vốn.

Nhiều ngân hàng đã tiếp tục thông báo giảm lãi suất cho vay tới khách hàng. Ảnh: SHB

Giảm và công khai lãi suất cho vay

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Trong đó, xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối tháng 1/2024, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 950,8 nghìn tỷ đồng (giảm 0,17%, chiếm 7,05%); công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,46 triệu tỷ đồng (giảm 0,13%, chiếm 25,71%); thương mại dịch vụ đạt gần 9,06 triệu tỷ đồng (giảm 0,91%, chiếm 67,23%). Ngoài ra, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%. Tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán đạt gần 111,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

NHNN nhận định, với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, ngân hàng đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo chương trình 120.000 tỷ đồng. Hiện đã phê duyệt được 8 dự án với 2.470 tỷ đồng và dư nợ thực tế đến nay là 420 tỷ đồng. Với chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm thủy sản, năm 2023 đã triển khai 3.000 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng kéo dài chương trình tăng quy mô thêm 5.000 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, Agribank cũng đang tích cực phối hợp thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của người dân và các doanh nghiệp cho ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ của BIDV có sụt giảm so với cuối năm 2023 (khoảng 1%), nhưng vẫn tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn tín dụng của BIDV tập trung cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng…

Đặc biệt, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, nhiều ngân hàng đã tiếp tục công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hoặc tung ra các gói tín dụng ưu đãi.

Mới đây nhất, tại SHB, ngân hàng này đã triển khai chương trình tín dụng với quy mô 10.000 tỷ đồng cho khách hàng sản xuất kinh doanh với lãi suất giảm chỉ còn từ 5,8%/năm và gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi cũng chỉ từ 6,5%/năm... cùng nhiều chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân. Đại diện SHB nhấn mạnh, những ưu đãi này được kỳ vọng giúp khách hàng tiếp tục tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, thủ tục đơn giản để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay.

Hơn nữa, để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn thuận tiện và cạnh tranh, các ngân hàng cũng đang thực hiện theo chỉ đạo về việc công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi - cho vay. Chẳng hạn, BIDV đã công bố lãi suất cho vay bình quân là 6,49%/năm, chênh lệch lãi suất là 3,12%/năm. Con số này tại Nam Á Bank lần lượt là 7,9%/năm và 2,59%/năm; TPBank là 7,76%/năm và 3,75%/năm… cùng một số ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay cơ sở.

Không để ngân hàng “e sợ” cho vay

Nhưng cùng với việc thực hiện theo đúng các chủ trương và chỉ đạo từ các cơ quan quản lý, các ngân hàng còn bày tỏ mong muốn có được sự hỗ trợ cũng như sự đồng hành từ nền kinh tế vĩ mô.

Chẳng hạn, đề cập đến cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt hay cho vay doanh nghiệp đang bị lỗ, chủ tịch Agribank nêu rõ, đây là vấn đề rất lớn mà các ngân hàng thương mại còn “e sợ” khi không có được sự đảm bảo từ cơ chế pháp lý, dẫn tới tâm lý “cho vay có thiếu sót nhưng thu hồi được nợ còn hơn cho vay đúng mà không thu hồi đủ nợ”. Lãnh đạo Agribank cho hay, theo tính chất hoạt động của ngành ngân hàng, khó khăn của ngành ngân hàng sẽ có độ trễ so với khó khăn của khách hàng vay. Điều này đang thể hiện trong số liệu nợ xấu của các ngân hàng.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã tăng từ mức 2,03% cuối năm 2022 lên 4,55% cuối năm 2023. Với tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, nếu Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ không được kéo dài thời hạn hiệu lực, các chuyên gia và đại diện nhiều ngân hàng lo ngại, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nợ xấu tăng, áp lực trích lập dự phòng cũng phải tăng, kéo theo lợi nhuận toàn ngành đi xuống.

Do đó, để hỗ trợ ngành ngân hàng hướng đúng dòng tín dụng cũng như mạnh dạn hơn trong cho vay, các ngân hàng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức tín dụng, bất động sản, nhà ở, đất đai…; đồng thời hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường, trong đó bao gồm thị trường xuất nhập khẩu, tiêu dùng và tài chính…

Ông Phan Đức Tú còn đề nghị đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới quản trị và minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính nhằm củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.

Theo Hương Dịu (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN