Lộ trình hướng tới phục hồi kinh tế bền vững

- 20/03/2024

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Điều này cũng tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.

Tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024 diễn ra ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng, là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng góp cho ngân sách, giải quyết việc làm, được coi là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp FDI đang được trao thêm sứ mệnh mới là tiên phong, đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng ESG trong sản xuất, kinh doanh.

Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng tăng trưởng xanh chính là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.

Đánh giá về việc thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Thomas Jacobs cũng cho rằng, nếu không thay đổi sớm, Việt Nam sẽ phải tăng tốc và nỗ lực tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện tính bền vững để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có tỷ lệ cao nhất vào năm 2045 và đạt mức 0 ròng vào năm 2050. Trong khi đó, nhu cầu tài chính để đạt được mục tiêu trên là rất lớn, ước tính gần 7% GDP mỗi năm và riêng năm 2040 sẽ cần khoảng 368 tỷ USD. Một nửa số tiền này sẽ đến từ khu vực tư nhân.

“Vì vậy, để đạt được mục tiêu kép đến năm 2045 và đạt mức phác thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần tăng sức kháng chịu với biến đổi khí hậu, giảm phác thải khí cacbon, gia tăng tính bền vững; đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp FDI với các công nghệ mới, ý tưởng mới và cách làm mới. Việt Nam cũng đã có những cam kết trong việc thực hiện tăng trưởng xanh với tương lai bền vững”, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết thêm.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh : VGP

Thách thức không nhỏ

Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021- 2025, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đã xác định chủ đề năm nay là “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và đưa ra 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 12 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược tăng trưởng xanh.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp FDI đã và đang tích cực tham gia vào các sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cũng như đã đưa ra các mục tiêu, yêu cầu ở cấp độ doanh nghiệp. Hơn một nửa số doanh nghiệp đang chủ động thực hiện các giải pháp về phúc lợi nhân viên và công bằng xã hội.

Đáng chú ý, 20% doanh nghiệp phân bổ hơn 5% ngân sách doanh nghiệp cho các hoạt động ESG, bao gồm thiết lập cơ cấu quản trị dữ liệu và đánh giá rủi ro. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức trong việc mở rộng và thực hiện hiệu quả các chiến lược ESG. Tầm nhìn của ban lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng và các cơ chế thị trường hiện chưa thực sự phát triển. Doanh nghiệp còn nhiều quan điểm trái chiều về cam kết ESG của Chính phủ, điều đó cho thấy Chính phủ cần thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh và đóng góp toàn diện cho xã hội cũng như nền kinh tế.

Do vậy theo ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, Đồng chủ tịch VBF, để thực hiện được mục tiêu đòi hỏi phải hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động tốt. Tất cả đều cần thiết để vận hành suôn sẻ và thu hút đầu tư liên tục tại Việt Nam cũng như thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Theo Xuân Thao (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN