Yếu tố giúp Nhà khoa học khởi nghiệp thành công

Trần Thị Ngọc Hoài - 20/07/2017

Nhà khoa học với những nghiên cứu chuyên sâu về KH&CN sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao. Nhưng khi nhà khoa học tự khởi nghiệp sẽ gặp phải những khó khăn gì? Họ phải đi đâu để tìm các nguồn lực hỗ trợ? Câu trả lời đã được giải đáp trong Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp của nhà khoa học” do Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức vào sáng 19/7.

Chia sẻ và kết nối với các nguồn lực khác

Việt Nam có nhiều nhà khoa học, có nhiều công trình nghiên cứu công nghệ có tiềm năng nhưng tỉ lệ được thương mại hóa còn rất ít. Thậm chí không ít nhà khoa học đã mất cả gia tài nhưng vẫn không thực hiện hóa được ý tưởng.

Theo ông Phạm Duy Hiếu – CEO Startup Vietnam Foundation, để một sản phẩm nghiên cứu phát triển và đi đến đích thành công, thông thường phải trải qua 4 giai đoạn: Nghiên cứu khoa học; Sản phẩm hóa; Thương mại hóa và giá trị hóa. Quá trình này cần sự hợp lực của rất nhiều yếu tố như tài chính, marketing, nhà đầu tư, công nghệ, …do đó Nhà khoa học không nên đơn độc khi khởi nghiệp mà cần phải chia sẻ và kết hợp những nguồn lực còn thiếu để cùng phát triển sản phẩm và doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Hiếu cho hay, Nhà khoa học cũng cần tôi luyện 4 yếu tố: sự chính trực, khả năng giải quyết vấn đề, tầm nhìn, khả năng truyền đạt, nếu muốn khởi nghiệp thành công.

Đồng quan điểm với ông Hiếu, doanh Nhân Jeff Hoffman, đồng sáng lập của Priceline.com, uBid.com và ColorJar nhận định, một trong những sai lầm lớn nhất của các nhà khoa học đó là quá chú tâm vào sản phẩm. Điều này dẫn đến hậu quả là sản phẩm tạo ra không phù hợp với nhu cầu thị trường.

Do đó, trước khi có ý định khởi nghiệp, Nhà khoa học cần tham gia vào các hệ sinh thái khởi nghiệp, chia sẻ ý tưởng và tìm kiếm những mãnh ghép mình còn thiếu để bỗ trợ vào hành trình “tiến thân” thành doanh nhân của mình. Sau đó, tập trung nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mẫu để tìm kiếm tập khách hàng tiềm năng.

Đam mê và dũng cảm

Tại hội thảo, khi được hỏi về con đường khởi nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe (Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA) chia sẻ, với xuất thân là một nhà khoa học, con đường khởi nghiệp của bà đã gặp phải rất nhiều khó khăn.

Năm 1993, bà phải bán chiếc xe đạp duy nhất để mua vé sang Mỹ nhận Giải thưởng Kovalevskaya. 500 đô la và 1 thùng mỳ gói là số lương thực bà có trong 2 tháng ở Mỹ. Nhưng bằng đam mê, tinh thần dũng cảm và một chút “liều” bà đã bắt đầu có được những thành công ban đầu, khi ký được hợp đồng hợp tác sản xuất sơn chống thấm với một đối tác ở Mỹ.

Chính vì thế, chia sẻ, hợp tác thôi chưa đủ, bản thân mỗi nhà khoa học cần phải có thêm sự đam mê và tinh thần dũng cảm.

Trong khuôn khổ hội thảo, 7 dự án khoa học bao gồm: Ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng; Sản xuất thực phẩm chức năng có chất lượng cao từ tảo xoắn; Đa dạng hóa thị trường nấm Việt Nam; Công nghệ bào chế thực phẩm chức năng dạng nano; Kit thử nhanh và dụng cụ lấy mẫu phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm và quan trắc ô nhiễm môi trường không khí; Chế tạo thiết bị đo quang cầm tay và sử dụng dữ liệu phổ kết hợp dữ liệu đa biến trong việc kiểm định nhanh chất lượng sản phẩm; Hệ thống nấu nhôm không khói, cũng đã được SVF hỗ trợ kết nối đến nhà đầu tư.

Ngoài ra, các dự án, nhà khoa học nếu muốn cải thiện hơn nữa kỹ năng lãnh đạo, kinh nghiệm khởi nghiệp,… có thể tham gia vào chương trình LeaderUP do SVF tổ chức.

TIN LIÊN QUAN