Trí tuệ nhân tạo là gì? Nguồn gốc và một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong thực tiễn

Trần Thị Ngọc Hoài - 21/09/2016

Những sự kiện như máy tính thông minh AlphaGo đánh bại kỳ thủ cờ vây thế giới Lee Sedol với tỷ số chung cuộc 4-1, Nhật Bản tạo ra ứng dụng nhận diện chữ Nhật viết tay chính xác 99% hay hãng IBM tạo ta chiếc siêu máy tính Watson, …đang cho thấy sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo. Vậy trí tuệ nhân tạo là gì? Nguồn gốc và những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong thực tiễn ra sao? Xin mời bạn đọc cùng Startup.vitv.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trí tuệ nhân tạo là gì?

Trên thế giới hiện có nhiều định nghĩa khác nhau về trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI (Artificial Intelligence), cụ thể:

  • Theo Wikipedia, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.
  • Bellman (1978) định nghĩa: trí tuệ nhân tạo là tự động hoá các hoạt động phù hợp với suy nghĩ con người, chẳng hạn các hoạt động ra quyết định, giải bài toán, …
  • Rich anh Knight (1991) thì cho rằng: Trí tuệ nhân tạo là khoa học nghiên cứu xem làm thế nào để máy tính có thể thực hiện những công việc mà hiện con người còn làm tốt hơn máy tính.

Mỗi khái niệm, định nghĩa đều có điểm đúng riêng, nhưng để đơn giản chúng ta có thể hiểu trí tuệ nhân tạo là một ngành khoa học máy tính. Nó xây dựng trên một nền tảng lý thuyết vững chắc và có thể ứng dụng trong việc tự động hóa các hành vi thông minh của máy tính. Giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi.

Nguồn gốc của AI

Ý tưởng xây dựng một chương trình AI xuất hiện lần đầu vào tháng 10/1950, khi nhà bác học người Anh Alan Turing xem xét vấn đề “liệu máy tính có khả năng suy nghĩ hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, ông đã đưa ra khái niệm "phép thử bắt chước" mà sau này người ta gọi là “phép thử Turing”. Phép thử được thực hiện dưới dạng một trò chơi. Theo đó, có ba đối tượng tham gia trò chơi (gồm hai người và một máy tính). Một người (người thẩm vấn) ngồi trong một phòng kín tách biệt với hai đối tượng còn lại. Người này đặt các câu hỏi và nhận các câu trả lời từ người kia (người trả lời thẩm vấn) và từ máy tính. Cuối cùng, nếu người thẩm vấn không phân biệt được câu trả lời nào là của người, câu trả lời nào là của máy tính thì lúc đó có thể nói máy tính đã có khả năng "suy nghĩ" giống như người.

Đến mùa hè năm 1956, tại Hội nghị do Marvin Minsky và John McCarthy tổ chức với sự tham dự của vài chục nhà khoa học tại trường Dartmouth, Mỹ, tên gọi “artificial intelligence” được chính thức công nhận và được dùng cho đến ngày nay. Cũng tại đây, Bộ môn nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đầu tiên đã được thành lập.

Quá trình hình thành và phát triển của AI

Từ 1950 – 1965, Các nhà khoa học như John McArthy, Marvin Minsky, Allen Newell và Herbert Simon cùng với những sinh viên đã viết nên những lập trình giúp máy vi tính giải được những bài toán đố của đại số, chứng minh các định lý và nói được tiếng Anh.

Một số thành tựu ban đầu của giai đoạn này có thể kể đến như: Chương trình chơi cờ của Samuel; Chương trình lý luận Logic của Newell & Simon; Chương trình chứng minh các định lý hình học của Gelernter.

Bước sang thập nên 60, các nghiên cứu về AI chủ yếu tập trung vào biểu diễn tri thức và phương thức giao tiếp giữa người và máy tính bằng ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại do tiến bộ tin học thời bấy giờ vẫn chưa đạt đến mức để có thể thực hiện.

Đến năm 1997, sau trận đấu lịch sử giữa kiện tướng cờ vua Garry Kasparov với máy tính DeepBlue của IBM, niềm hy vọng về trí tuệ nhân tạo mới được hồi sinh.

Năm 2015, sự phát triển của nền tảng điện toán đám mây với chi phí ở mức chấp nhận được, cùng những bộ dữ liệu phong phú, các công cụ phát triển phần mềm miễn phí hoặc giá rẻ đã hỗ trợ rất nhiều cho các nhà nghiên cứu. Nhờ đó, những nghiên cứu về công nghệ học hỏi cho máy tính, còn được gọi các mạng thần kinh, từ chỗ vô cùng tốn kém đã trở nên tương đối rẻ.

Tất cả đã giúp cho mảnh đất AI thu hút đông đảo các ông lớn như: Facebook; Google; Microsoft; …tham gia nghiên cứu, phát triển sản phẩm và mở ra kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo.

Một số ứng dụng của AI trong thực tiễn

Hiện tại, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong đời sống theo hai hướng: Dùng máy tính để bắt chước quá trình xử  lý của con người và thiết kế những máy tính thông minh độc lập với cách suy nghĩ của con người.

Một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống thực tiễn có thể kể đến như: Nhận dạng chữ viết; Nhận dạng tiếng nói; Dịch tự động; Tìm kiếm thông tin; Khai phá dữ liệu và phát triển tri thức; Lái xe tự động; Robot.

Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo với sự quan tâm và phát triển của các ông lớn trong ngành công nghệ, dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng sang các lĩnh vực như: Y tế, Xây dựng, Ngân hàng, Công nghệ siêu vi, …

Đến nay, trí tuệ nhân tạo đã góp phần không nhỏ trong việc giúp con người tiết kiệm sức lao động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa và số hóa nền kinh tế của nhân loại, với chi phí khá rẻ. Mặc dù, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về công ăn việc làm của con người khi trí tuệ nhân tạo phát triển. Nhưng thiết nghĩ, nếu chúng ta có những chính sách phù hợp thì trí tuệ nhân tạo sẽ là nền tảng đưa loài người bước lên một tầm cao mới.

Tổng hợp

Nguồn tham khảo: huc.edu.vn

TIN LIÊN QUAN