Vốn đầu tư cho startup: nghịch lý sẵn tiền triệu nhưng thiếu "bạc lẻ"

Trần Thị Ngọc Hoài - 23/09/2016

Sáng 21/9, trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” diễn ra tại Hà Nội, ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA đề cập đến một nghịch lý hiện nay tại Việt Nam đó là đang sẵn vốn triệu đô (USD) nhưng lại thiếu vốn nhỏ cỡ từ chục ngàn USD đầu tư cho startup, khiến startup khó có cơ hội tiếp cận được thị trường.

Nghịch lý sẵn vốn triệu đô nhưng thiếu vốn mồi và câu chuyện pháp lý

Tại hội thảo, ông Quang nhấn mạnh, các khoản từ vài trăm nghìn USD cho tới hàng triệu USD có nhiều nhưng khoản đầu tư nhỏ ban đầu (thường gọi là vốn mồi) thì rất ít. Đây là nguồn vốn tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng do mang yếu tố kickoff - có tính chất khởi động, thúc đẩy ban đầu cho các startup có thêm cơ hội tiếp cận thị trường chỉ từ ý tưởng của mình.

Trong khi đó, nhìn ra các quốc gia khác ngay tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaisia…, vấn đề này đã được giải quyết rất tốt với những khoản vốn mồi từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD rót cho startup.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures cũng cho rằng các startup Việt Nam đang thiếu vốn mồi để biến từ ý tưởng đến mô hình kinh doanh. Trong khi đó, lực lượng sẵn sàng đầu tư vốn mồi là những nhà đầu tư mạo hiểm cho startup lại chưa nhiều.

"Việt Nam chưa có thị trường đầu tư mạo hiểm đúng nghĩa, tất cả mới chỉ manh nha", Giám đốc FPT Ventures nói.

Liên quan đến việc đầu tư vốn mồi cho startup, có thể kể đến một vài ví dụ như thời gian gần đây, quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley là 500 Startups do doanh nhân Bình Trần đại diện tại Việt Nam đã lập một quỹ 10 triệu USD trong năm 2016 để đầu tư vào từ 100 - 150 doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút được sự chú ý lớn của cộng đồng startup và các chuyên gia.

Số tiền này sẽ được chia ra thành các khoản nhỏ, thấp nhất là 100.000 USD và cao nhất là 250.000 USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp được 500 Startups đầu tư sẽ có cơ hội tiếp cận với mạng lưới 3.000 nhà tư vấn và sáng lập viên của các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng như những hỗ trợ khác để mở rộng kinh doanh.

Hay mới nhất, theo thông tin đưa ra ngày 21/9/2016, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV đang tìm kiếm 10 startup để đầu tư cho mỗi startup từ 15000 USD, đồng thời hỗ trợ kết nối với hơn 100 doanh nhân, cố vấn, các nhà đầu tư đến từ Facebook, IBM, FPT, Dragon Capital Group, BIDV, Hanwha, Golden Gate…

Tuy nhiên, trao đổi thẳng thắn tại hội thảo, ông Bình Trần, Giám đốc Quỹ 500 Startups cho rằng với đặc thù khởi nghiệp luôn mạo hiểm và rủi ro, tỷ suất thu hồi vốn là không cao. Trong khi đó tại Việt Nam, các quỹ còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, nếu gặp thất bại thì không nhận được hỗ trợ.

Cần sớm hoàn thiện thông tư về Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo

Từ thực tế trên, để thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc mảng đầu tư công ty tư nhân của Quỹ đầu tư Dragon Capital, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thiện thông tư về Qũy Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Chuyên gia này cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế sẽ tháo gỡ vướng mắc trong phương thức đầu tư cho nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài, giúp cho họ dễ dàng sở hữu cổ phần trực tiếp tại doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm chưa cao trong khi đầu tư mạo hiểm rủi ro lớn sẽ dễ khiến các nhà đầu tư chùn bước trong quyết định đầu tư vào Việt Nam. Chỉ khi cơ chế được khơi thông mới có thể thu hút được nhiều các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng tìm kiếm startup để rót vốn mồi, thay vì chỉ hoạt động theo kiểu “đánh du kích” như hiện nay.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu chính sách không thông thoáng, tình trạng doanh nghiệp khởi nghiệp chạy sang những nước khác có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn cũng như phát triển mở rộng thị trường sẽ lớn hơn. Việt Nam sẽ ngày càng mất dần thị phần đầu tư mạo hiểm sang các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia…

Theo Nguyên Đức/ICTnew

TIN LIÊN QUAN