Dự toán thu ngân sách năm 2025 tích cực dù tiềm ẩn nhiều thách thức

- 23/10/2024

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024.

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi

Dự toán tích cực trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro

Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2025, Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2025-2027 tại phiên họp ngày 22/10/2024, về dự toán năm 2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, dự toán thu NSNN là 1.966,8 nghìn tỷ đồng.

Mức thu này tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16% GDP.

Trong đó: dự toán thu nội địa là 1.668,3 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 85% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 6,1% so ước thực hiện năm 2024.

“Mức dự toán nêu trên là tích cực, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Phân tích thêm, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN còn rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, mặt bằng chính sách thu trở lại bình thường; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua chậm.

Hơn nữa, áp lực cân đối chi rất lớn, nhất là tăng chi cho các công trình hạ tầng quan trọng, các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đảm bảo an sinh xã hội…

Phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, dự toán bội chi NSNN năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP.

Đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 34-35% GDP, trong phạm vi được Quốc hội cho phép.

Về dự toán chi NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đảm bảo các nguyên tắc: ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Đồng thời, bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác; bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính trị quan trọng (như tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng XIV).

Bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt của cấp thẩm quyền; bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đang hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo. Ảnh: quochoi

Năm 2025, để đảm bảo chi trả tiền lương khu vực công theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, ngoài số cân đối bố trí từ nguồn thu NSNN, dự kiến sử dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng nguồn tích lũy tiền lương.

Theo đó, dự toán chi NSNN năm 2025 là 2.548,9 nghìn tỷ đồng.

Năm 2025 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách hiện hành, căn cứ nhiệm vụ chi theo phân cấp và khả năng cân đối NSTW, Chính phủ kiến nghị bố trí dự toán số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2025 là 248,7 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, dự toán 14,4 nghìn tỷ đồng bổ sung cho một số địa phương có số thu cân đối NSĐP năm 2025 thấp hơn năm 2023 nhằm đảm bảo mặt bằng chi ngân sách năm 2025 của địa phương này không thấp hơn dự toán năm 2023, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.

Trên cơ sở các nguyên tắc trên, dự kiến bố trí dự toán chi NSNN như sau: dự toán chi đầu tư phát triển là 790,7 nghìn tỷ đồng, loại trừ tăng chi tiền lương, thì đạt trên 33% tổng chỉ NSNN, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đây là mức rất tích cực.

Ngoài ra, dự toán 14,4 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho một số địa phương có số thu cân đối NSĐP năm 2025 thấp hơn năm 2023, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách như đã báo cáo.

Dự toán chi thường xuyên NSTW là 726 nghìn tỷ đồng. Sau khi đảm bảo chi trả tiền lương và các chính sách xã hội đã ban hành tăng khoảng 53 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu đề xuất tăng chi của các bộ, cơ quan.

Vì vậy, theo Chính phủ, phải ưu tiên bố trí các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, các chế độ, chính sách và nhiệm vụ quan trọng; triệt để tiết kiệm các nhiệm vụ chi thường xuyên khác.

Dự toán chi thường xuyên NSĐP là 828,6 nghìn tỷ đồng, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo phân cấp.

Tiến độ giải ngân đầu tư công cần tốt hơn trong năm 2025

Thẩm tra báo cáo này về dự toán NSNN năm 2025, liên quan đến thu nội địa, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận thấy nhiều khoản thu dự kiến mức tăng khá, đặc biệt là thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu dự kiến giảm khá lớn trong khi ước thực hiện năm 2024 vượt dự toán khá cao, nên Ủy ban đề nghị cần làm rõ lý do giảm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi

Hơn nữa, cần phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể hơn, làm rõ các lý do xây dựng dự toán năm 2025 thấp hơn so với năm 2024 đối với thu từ dầu thô. Đồng thời đề nghị xây dựng dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tích cực hơn.

Về chi đầu tư, căn cứ tình hình giải ngân đầu tư công những năm gần đây, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cụ thể gắn với chế tài và đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc giải ngân nguồn vốn này để có tiến độ giải ngân tốt hơn trong năm 2025, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.

Về chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với các phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Tuy nhiên, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu NSNN để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo Hương Dịu (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN