Gỡ những “điểm nghẽn” cho nền kinh tế bứt phá

- 23/10/2024

Trong những bài viết, phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần nhắc đến việc đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đặt ra yêu cầu về những “điểm nghẽn” của nền kinh tế phải nhanh chóng được tháo gỡ, tạo sự đổi mới và bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng

Theo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân đã bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển, quý sau cao hơn quý trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn và lo lắng. Chẳng hạn như ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) sẽ khiến đời sống của nhân dân khó khăn hơn, nguy cơ tái nghèo cao. Vì thế, cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước có chủ trương, giải pháp, chính sách căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho nhân dân trước tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ.

Hơn nữa, về lĩnh vực đất đai, bất động sản, cử tri cho rằng, sau 2 tháng triển khai, công tác thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 vẫn còn một số vướng mắc, nhiều chính quyền địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền. Bên cạnh đó cử tri là công nhân, người có thu nhập thấp mong mỏi được mua nhà ở xã hội nhưng gần hết năm 2024 mà tiến độ các dự án đầu tư rất chậm, đối tượng được mua nhà ở xã hội, còn một số bất cập cần được xem xét giải quyết kịp thời.

Cũng về vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025 cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn khi trong 9 tháng năm 2024, có 163,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5% cùng kỳ năm trước; trong khi chi phí sản xuất còn cao, sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại.

Về tài chính, một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng khi đến cuối tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ở mức 4,7% tổng dư nợ. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao với khối lượng đáo hạn trong cả năm 2024 là 237,5 nghìn tỷ đồng, trong đó quý 4/2024 là 76,9 nghìn tỷ đồng.

Hơn nữa, giải ngân vốn đầu tư công chậm, ước thanh toán đến ngày 30/9/2024 đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn so với mức 51,38% của cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu, thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Thiên tai, bão lũ diễn biến khó lường…

Đổi mới tư duy để hành động

Về những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên, theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân khách quan là do bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều bất ổn, bất lợi; trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ quan là do thể chế còn nhiều vướng mắc, nhất là trong phân cấp, phân quyền chưa mạnh mẽ, tập trung nhiều ở Trung ương, giữa Chính phủ, Quốc hội vẫn còn chồng chéo, trùng lắp; trách nhiệm của người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa được phát huy; công tác nắm bắt và dự báo tình hình có nơi, có lúc chưa sát; phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc. Một bộ phận không nhỏ cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.

Theo các đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ nay đến cuối tháng 11/2024 là một kỳ họp rất quan trọng với khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay; với 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Trong đó có 1 luật sửa 3 luật trong lĩnh vực đầu tư; 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, quản lý tài sản; Luật Điện lực sửa đổi… được kỳ vọng là những vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết.

Vì thế, công tác lập pháp được người dân rất quan tâm với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn.

Theo đại biểu Thái Thị An Chung, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, công tác xây dựng thể chế, pháp luật phải phù hợp với thực tiễn, nhưng trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, thì cần kịp thời điều chỉnh hành lang pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật, không chỉ dự thảo luật mà cần cả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách sau khi được ban hành. Đồng thời, phải tạo điều kiện hơn nữa để cơ quan thẩm tra được thông tin sớm về chính sách và các ý kiến góp ý, tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng phản biện của người dân, tổ chức.

Từ góc nhìn quốc tế, mặc dù đánh giá cao những nỗ lực và cải cách của Việt Nam nhưng TS. Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ABDI) khuyến nghị Việt Nam cần đầu tư “mạnh tay” hơn cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là có thể học tập Nhật Bản trong việc cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hoá, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Trong khi đó, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng cao trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu có xu hướng thấp trong cả hai năm 2025 và 2026, nhưng Việt Nam cần tiếp tục chú trọng việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trên các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, giáo dục. Việt Nam cũng cần tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, ngay cả ở các lĩnh vực có nhiều nỗ lực như viễn thông, điện và giao thông.

Theo Hương Dịu (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN