Động lực chủ yếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 9 tháng đầu năm tiếp tục đến từ nhóm tổ chức tín dụng với giá trị phát hành chiếm 74% giá trị toàn thị trường.
Theo VNBA, việc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu phát hành trong thời gian qua luôn đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ảnh: ST
Trái phiếu phát hành ghi nhận xu hướng tăng trưởng
Theo Fiin Ratings, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường tiếp tục vắng bóng các doanh nghiệp là tổ chức phát hành phi ngân hàng dù giá trị đáo hạn sắp tới của nhóm DN này duy trì cao với 80 nghìn tỷ đồng, giảm 26,3% so với 9 tháng năm 2023.
Trên thị trường TPDN sơ cấp, khối lượng phát hành trong tháng 9 đa phần thuộc về nhóm tổ chức tín dụng với 39 đợt phát hành, tổng giá trị phát hành đạt 45,3 nghìn tỷ đồng, giảm 27,5% so với tháng trước nhưng tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm đạt 313,6 nghìn tỷ đồng, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng lần lượt là 62% và 28% so với cùng kỳ.
Cũng theo Fiin Ratings, chưa có sự phục hồi rõ rệt từ nhóm tổ chức phát hành phi tài chính trong thời gian vừa qua.
Đa số đợt phát hành trong tháng 9/2024 vẫn thuộc các tổ chức tín dụng (36 nghìn tỷ, chiếm 82% và giảm 30% so với tháng trước) và là chủ thể phát hành 74% giá trị TPDN mới trong 9 tháng đầu năm 2024.
Trong khi đó, giá trị phát hành của nhóm phi ngân hàng chỉ đạt 7,75 nghìn tỷ đồng, nâng tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm lên 80 nghìn tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ.
Phần lớn các trái phiếu này được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp do thiếu sự tham gia của các định chế tài chính khác.
Cũng theo Fiin, tuy tỷ lệ chậm trả vẫn ở mức cao nhưng đã có xu hướng chậm lại so với năm 2023 do tình hình vĩ mô cải thiện và room tín dụng được mở rộng hơn đã hỗ trợ hoạt động cân đối dòng tiền của doanh nghiệp.
Tháng đầu tiên không ghi nhận trường hợp chậm trả phát sinh mới
Liên quan TPDN chậm trả, Công ty TNHH Vis Ratings cho biết, tháng 9/2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2021 không ghi nhận trường hợp chậm trả phát sinh mới nào.
Trong quý 3/2024, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới là 1,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quý gần nhất là 14,9 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ trái phiếu chậm trả lũy kế tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý 1/2024, vào cuối tháng 9/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,8% từ mức 14,9% trên tổng giá trị TPDN lưu hành của tháng trước.
Khoảng 62% giá trị chậm trả lũy kế đến từ nhóm bất động sản nhà ở với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 30%.
Theo dữ liệu của Vis Rating, trong tháng 9 có 10 tổ chức phát hành thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, năng lượng và xây dựng đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu chậm trả với tổng giá trị là 781 tỷ đồng.
70% giá trị hoàn trả đến từ các công ty thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở, bao gồm Công ty TNHH Saigon Glory (Saigon Glory) và CTCP Đầu tư Hải Phát.
Saigon Glory đã hoàn trả 448 tỷ đồng gốc cho các trái chủ trong tháng 9/2024. Tính từ đầu năm, DN này đã hoàn trả 1.341 tỷ đồng. Sau đợt thanh toán này, dư nợ gốc trái phiếu của tổ chức phát hành này là 8,7 nghìn tỷ đồng.
“Theo thông tin được công bố, Tập đoàn Bitexco, công ty mẹ của Saigon Glory có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu của công ty này cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội (Phương Đông Hà Nội)”, Vis Rating cho biết.
Theo đó, Phương Đông Hà Nội cam kết hoàn trả nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các trái chủ theo như điều khoản và điều kiện trái phiếu hiện tại.
Cũng theo các chuyên gia Vis Rating, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng 0,3% lên 21,2% vào cuối tháng 9/2024 nhờ sự cải thiện ở các nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.
Theo Hoài Anh (HQ Online)