Chính sách tài khoá mở rộng, linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2024

- 02/05/2024

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2024, chính sách tài khoá mở rộng, linh hoạt và thận trọng tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế.

Các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công là những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng năm 2024. Ảnh: ST

Bệ đỡ vững vàng

Theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tham mưu Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và DN, trong đó có giải pháp miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế với quy mô lớn.

Trong năm 2024, trên cơ sở cân nhắc đánh giá tình hình nền kinh tế, cùng với các yếu tố liên quan, Bộ Tài chính đã tham mưu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu; ban hành chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2023; tiếp tục giảm một số loại phí, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, DN. Các chính sách này đã được DN và người dân đồng tình, đánh giá cao.

Cũng theo ông Trương Bá Tuấn, thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách, từ đó có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp.

Khẳng định thời gian qua, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, là bệ đỡ của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua cũng đến từ sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt của chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ và không thể tách rời. Chính phủ đã sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ chưa có trong tiền lệ để hỗ trợ người dân, DN, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn chính sách tài khóa, tiền tệ, trong khoảng thời gian 4 - 5 năm qua, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ đã được nâng lên một bước, đạt hiệu quả. Giai đoạn vừa qua có những biến động lớn, khó dự báo đối với kinh tế - xã hội, chúng ta đã sử dụng, điều hành chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn, nhịp nhàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ vững vàng, chúng ta đã vượt qua được khó khăn, có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Một giải pháp then chốt phục hồi tăng trưởng

Trong năm 2024, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục là động lực, là yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế.

Theo chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng trong năm 2024. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, vị thế tài khóa thuận lợi, thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỉ lệ nợ công trên GDP thấp mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Theo chuyên gia ADB, chương trình giảm thuế GTGT được triển khai tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024. Cùng với đó, một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỷ USD đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể.

“Các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công cuối cùng sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng. Năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh đầu tư công vẫn cần được quan tâm và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần sớm phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư công.

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cũng đề xuất, Chính phủ cần xem xét tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, DN như: giãn, hoãn thời hạn nộp một số khoản thuế, phí cho DN; tiếp tục tháo gỡ rào cản về môi trường pháp lý, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho khu vực DN.

Theo Hoài Anh (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN