Đằng sau sự suy yếu của các đồng tiền châu Á

- 25/04/2024

Chỉ số USD đã tăng trở lại vào ngày 16/4 (giờ địa phương) lên trên 106,5 - mức cao nhất trong 5 tháng liên tiếp sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết thể chế này có thể duy trì mức lãi suất hiện tại trong thời gian cần thiết nếu lạm phát cao hơn vẫn tiếp diễn.

Đồng yen của Nhật Bản và đồng USD.

Tuyên bố mới nhất của ông Powell đã khiến các đồng tiền châu Á đối mặt với "cơn bão lớn" dưới tác động của đồng USD mạnh, trong đó, nhiều loại tiền tệ đã giảm xuống mức thấp mới trong vài tháng hoặc thậm chí trong lịch sử.

Cụ thể, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 16/4 đã giảm xuống còn 7,1028 NDT/USD - mức giảm thấp nhất trong 5 tháng; đồng yen của Nhật Bản giảm xuống dưới mốc 154,60 yen/USD - chạm mức thấp mới kể từ năm 1990; đồng rupee của Ấn Độ tiếp tục chạm mức thấp mới mọi thời đại với tỷ giá 83,535 rupee/USD; đồng peso của Philippines ngày 17/4 lần đầu tiên giảm xuống dưới mức quan trọng 57 peso/USD kể từ cuối năm 2022. Trong khi đó, tỷ giá đồng USD so với đồng won của Hàn Quốc đã nhanh chóng tăng lên trên mốc 1.400 won/USD vào đầu ngày 16/4 - chạm mốc số nguyên này lần đầu tiên kể từ tháng 11/2023.

Theo các nhà phân tích, đợt tăng vọt lên đỉnh cao này của đồng USD chắc chắn là do Fed đã dập tắt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất mà nguyên nhân chính là dữ liệu kinh tế Mỹ tốt và lạm phát đang tăng trở lại.Giới phân tích cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn tới đợt lạm phát lần này ở Mỹ kéo dài dai dẳng. Thứ nhất, quy mô đổ tiền của Mỹ sau đại dịch Covid-19 là quá lớn khiến nước này khó kiềm chế được lạm phát. Tốc độ in tiền (tốc độ tăng trưởng M2 hàng năm) của Mỹ từng đạt tới 25%, gần bằng gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT của Trung Quốc năm 2009. Thứ hai, trong vài năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Mỹ đã phát động một đợt cách mạng công nghệ mới, chủ yếu về trí tuệ nhân tạo (AI), phương tiện năng lượng mới, khoa học và công nghệ đời sống... Điều này có tác động thúc đẩy tương đối rõ ràng đối với nền kinh tế, có thể thấy được từ sự tăng trưởng dài hạn của thị trường vốn. Thứ ba, chính sách thương mại “kiềm chế” của Mỹ đối với Trung Quốc cũng khiến việc quản lý lạm phát ở Mỹ trở nên khó khăn hơn. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần cố giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhưng bất thành. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm dẫn tới hậu quả là giá cả sẽ tăng lên. Mỹ đã áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát của nước này và buộc nước này phải hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Ngoài ra, sức mạnh ngắn hạn của đồng USD lần này còn cộng hưởng với các xung đột địa chính trị Nga-Ukraine và Trung Đông, khiến chỉ số USD tăng giá. Ngoài ra, mặc dù Mỹ không muốn cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn nhưng các nền kinh tế khác cũng không muốn theo nhịp của đồng USD và muốn cắt giảm lãi suất trước. Vì vậy, một số nguồn vốn đang đổ vào Mỹ, khiến chỉ số USD tăng. Do vậy, rất có thể thế giới sẽ thực hiện một số hành động trước khi Mỹ cắt giảm lãi suất.

Theo Minh Châu (HQ Online)

TIN LIÊN QUAN