Những người trẻ mới khởi nghiệp lần đầu hoặc khởi nghiệp khi chưa có nhiều kinh nghiệm thường có những quan điểm khá lệch lạc về kinh doanh và đầu tư. Guy Kawasaki - cựu giám đốc sáng tạo của Apple, cho rằng: “Không phải nhà đầu tư (investor) nào cũng có thể thêm nhiều giá trị cho bạn. Investor không có đủ thời gian và cũng không thể giúp bạn thành công. Họ đầu tư vào bạn bởi vì họ tin rằng chỉ có bạn mới thay họ làm được điều này”. Bài viết dưới đây, vitv.startup.vn sẽ giới thiệu đến các bạn 10 lầm tưởng các startup thường mắc phải theo kinh nghiệm của Guy Kawasaki.
1. Chỉ cần chiếm 1% thị phần là đã đủ lớn- Multiplying big numbers by 1%
Ví dụ như nói rằng thị trường E-commerce ở thế giới và Việt Nam là rất lớn, chiếm được 1% thì cũng đủ lớn rồi. Lỗi của suy nghĩ này nằm ở chỗ chiếm được 1% của một thị trường lớn không dễ như chúng ta nghĩ; và thêm nữa là nếu ngay từ đầu mục tiêu của bạn chỉ để chiếm 1% của thị trường thì không một quỹ đầu tư mạo hiểm VC (Venture Capitalists) nào muốn đầu tư vào bạn. Họ luôn muốn những startups của mình chiếm lĩnh những thị trường mà các startups đó kinh doanh.
2. Mở rộng quá sớm - Scaling too soon
Khi sản phẩm của bạn chưa thu hút người dùng nhưng bạn đã muốn mở rộng khâu phân phối và marketing để bán được nhiều hàng hơn. Khi sản phẩm của bạn chưa đạt đến product-market fit (mô hình sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường), bạn càng mở rộng, doanh nghiệp của bạn càng nhanh chết sớm vì hết tiền. Khi đó, người dùng chỉ mua thử nhưng sẽ không quay lại với sản phẩm của bạn. Hoặc nhu cầu mà sản phẩm chủa bạn chỉ đáp ứng nhu cầu của một thị trường rất nhỏ. Đây là một cái bẫy rất nhiều người mắc phải.
3. Nhầm tưởng về đối tác- Partnering
Theo Guy, cái gọi là “sự hợp tác” giữa hai công ty nhiều khi chỉ là một cách thức để che lấp điểm yếu của hai công ty. Nhiều khi điều này chỉ mang tính hình thức. Nhưng trên hết, điều quan trọng là bạn phải bán được sản phẩm (sale).
4. Trình bày ý tưởng thay vì tạo sản phẩm mẫu - Pitching instead of Prototyping
Cùng với việc hệ sinh thái khởi nghiệp (Startup ecosystem) nở rộ thì nhiều cuộc thi về viết kế hoạch kinh doanh (Business plan competition) cũng ra đời. Theo Guy, business plan (kế hoạch kinh doanh) không có giá trị thực, vì tất cả những điều bạn viết trên đấy đều chỉ mang tính lý thuyết và có thể tự chỉnh sao cũng được. Để thật sự kinh doanh và có được đầu tư, cái quan trọng là bạn tạo được sản phẩm thực sơ khởi (prototype) để thể hiện được ý tưởng của mình. Có một cái gì đó hoạt động thì sẽ dễ thuyết phục hơn là chỉ một bản trình chiếu trên powerpoint..
5. Dùng quá nhiều slides và font chữ quá nhỏ khi pitching - Using too many slides and too small a font
Quy tắc khi giới thiệu về sản phẩm hay dự án mà Guy đề xuất là: 10 – 20 – 30. Nghĩa là 10 slides, trình bày trong 20 phút và dùng font cỡ 30. Một công thức nhanh khác bạn có thể dùng là: font chữ bạn dùng bằng hoặc lớn hơn tuổi của người già nhất trong khán phòng, rồi chia cho 2. Ví dụ, nếu có U60 trong khán giả thì font chữ tối thiểu là 30.
6. Làm từng việc một - Doing things serially
Trong thế giới startup, bạn cần làm nhiều việc cùng một lúc. Ví dụ như ngay khi khởi sự, bạn phải vừa tìm team, vừa phát triển MVP (minimum viable product), vừa bắt đầu chuyện gọi vốn (funding), ... Mỗi giai đoạn sẽ có những ưu tiên khác nhau, nhưng bạn sẽ không thể chỉ làm một việc trong mỗi giai đoạn và làm tuần tự hết việc này rồi đến việc kia. Nếu làm như vậy, bạn sẽ không tối ưu hóa được thời gian vì mọi thứ trong thế giới thực thường đan xen và liên quan đến nhau.
7. Tin rằng: 51% cổ phần là có quyền kiểm soát - Beliving 51% = control
Sau khi có nhà đầu tư, nhiều bạn nghĩ rằng mình còn nắm 51% là vẫn giữ quyền kiểm soát công ty vì nếu có bất đồng phải bỏ phiếu thì sở hữu 51% sẽ chiến thắng. Trên thực tế, các nhà đầu tư sẽ bắt bạn ký kèm những ưu tiên mà hệ quả là trong những quyết định quan trọng nhất của công ty (như bán, sáp nhập, tìm thêm nguồn đầu tư), 51% cổ phần của bạn cũng không có tác dụng gì.
8. Tin rằng: Bằng sáng chế sẽ là lợi thế cạnh tranh -Believing patents = defensibility
Guy nói đùa rằng giá trị của bằng sáng chế (patents)là làm mát lòng bố mẹ bạn. Bằng sáng chế sẽ có giá trị nếu công ty khác muốn mua lại công ty của bạn, nhưng nó sẽ không có nhiều hiệu lực khi bạn xem nó là một lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Lý do đơn giản cho việc này là: nếu một công ty lớn cố tình vi phạm bằng sáng chế của một công ty nhỏ thì hầu hết các công ty nhỏ khó có đủ tài nguyên (tài chính, thời gian, con người, …) để theo đuổi vụ kiện.
9. Tuyển người giống mình - Hiring in your own image
Đây là điểm mà cá nhân Guy nhận thấy là bản thân mỗi người rất dễ mắc phải nhưng sửa đổi thì không dễ. Một điều tự nhiên là “đồng loại tương thập” - tức là nếu chúng ta thích khám phá, chúng ta sẽ thích người khám phá, nếu chúng ta thích đọc sách thì chúng ta sẽ thích tuyển người thích đọc sách, ...
Nhưng một công ty cần giải quyết nhiều mảng công việc khác nhau và mỗi mảng công việc lại phù hợp với một cách suy nghĩ khác, một kiểu con người khác. Vì thế sự đa dạng trong cách nghĩ và cách nhìn nhận vấn đề đóng vai trò rất quan trọng đến sự phát triển về lâu dài của công ty.
10. Làm bạn với các nhà đầu tư- Befriending your Investor
Guy nói rằng trong đa số trường hợp, bạn không nên cố gắng làm bạn với nhà đầu tư (Investor). Nếu thật sự có sự khăng khít về tính cách một cách tự nhiên và trở thành bạn thật sự thì càng hay, nhưng xác suất này thấp, và bạn đừng nên cố gắng miễn cưỡng nó.
Lý do là Investor là những người nắm giữ những số tiền lớn và sứ mạng quan trọng nhất mà họ phải làm là tìm ra những cơ hội tốt để đầu tư. Và bạn là một trong số những cơ hội tốt mà họ chọn. Chấm hết!
Và theo Guy, để đảm bảo là bạn đạt được những mục tiêu đã đề ra, bạn nên đặt mục tiêu ở mức độ mà bạn chắc bạn có thể đạt được 80%.